Năm 1983, tiến sĩ
Howard Gardner – một nhà tâm lý học nổi tiếng của Đại học Harvard- đã xuất bản
một cuốn sách có nhan đề “Frames of Mind” (tạm dịch “Cơ cấu của trí tuệ”),
trong đó ông công bố các nghiên cứu và lý thuyết của mình về sự đa dạng của trí
thông minh (Theory of Multiple Intelligences ).
Theo Gardner, trí
thông minh (intelligence) được ông quan niệm như sau “là khả năng giải quyết
các vấn đề hoặc tạo ra các sản phẩm mà các giải pháp hay sản phẩm này có giá trị
trong một hay nhiều môi trường văn hóa” (the ability to solve problems, or to
create products, that are valued within one or more cultural settings) và trí
thông minh cũng không thể chỉ được đo lường duy nhất qua chỉ số IQ.
Sau đây là 7 loại
trí thông minh mà Gardner đã đề nghị tại thời điểm đó:
1. Trí thông minh về
toán học/logic (mathematical/logical): những người có trí thông minh này có
thiên hướng học tập thông qua các lập luận logic, thích toán học, lập trình,
chơi xếp hình,…
2. Trí thông minh về
ngôn ngữ/lời nói (verbal/linguistic): những người có trí thông minh này có
thiên hướng học tập thông qua việc nói và viết, thích đọc, chơi ô chữ,…
3. Trí thông minh về
thị giác/không gian (visual/spatial): những người có trí thông minh này có
thiên hướng học tập thông qua hình ảnh, đồ vật, sử dụng tốt bản đồ và định hướng
tốt trong không gian,…chúng ta không nên nghĩ rằng trí thông minh này chỉ gắn với
thị giác vì Gardner tin rằng đối với các trẻ em khiếm thị thì trí thông minh về
không gian này cũng phát triển.
4. Trí thông minh về
vận động (bodily/kinesthetic): những người có trí thông minh này có thiên hướng
học tập thông qua cách vận động và sử dụng động tác, cảm thấy thích thú khi vận
động cơ thể, chơi thể thao…
5. Trí thông minh về
âm nhạc/giai điệu (musical/rhythmic): những người có trí thông minh này có
thiên hướng học tập thông qua các giai điệu, âm nhạc, thích chơi nhạc cụ, hát,
đọc truyền cảm các tác phẩm,…
6. Trí thông minh
hướng ngoại (interpersonal): những người sở hữu trí thông minh này có thiên hướng
học tập thông qua sử dụng các kỹ năng xã hội, giao tiếp, hợp tác làm việc với
người khác, thích gặp gỡ và trò chuyện, có khả năng thông hiểu người khác,…
7. Trí thông minh
hướng nội (intrapersonal): những người có trí thông minh này có thiên hướng học
tập thông qua tình cảm, cảm giác, điều khiển và làm chủ tốt việc học của mình,
hiểu rõ các suy nghĩ của bản thân, từ đó có thể hiểu được cảm xúc, tình cảm của
người khác,…
Vào năm 1996,
Gardner có bổ sung thêm 2 loại trí thông minh mà ông và đồng nghiệp đang nghiên
cứu:
8. Trí thông minh
hướng về thiên nhiên (naturalist): người có khả năng học tập thông qua hệ thống
sắp xếp, phân loại, yêu thích thiên nhiên, các hoạt động ngoài trời,…
9. Trí thông minh về
sự tồn tại (existential): người có khả năng học tập thông qua việc thấy bức
tranh tổng thể, thông qua những câu hỏi như “Tại sao chúng ta tồn tại ở đây?”,
“Vai trò của tôi trong thế giới này là gì?”, “Vai trò của tôi trong gia đình,
nhà trường và cộng đồng là gì?”. Loại trí tuệ này tìm kiếm sự kết nối giữa những
kiến thức mới học với các ứng dụng, các kiến thức trong thực tế.
Lý thuyết của
Gardner đã chỉ ra rằng mỗi người trong chúng ta đều tồn tại một vài kiểu thông
minh trên, tuy nhiên, sẽ có kiểu thông minh trội hơn trong mỗi người. Bên cạnh
đó, Gardner đã chỉ ra rằng trong trường học thông thường chỉ đánh giá một học
sinh thông qua 2 loại trí thông minh là trí thông minh về ngôn ngữ và trí thông
minh về logic/toán học, và điều này là không chính xác. Trường học đã bỏ rơi
các em có thiên hướng học tập thông qua âm nhạc, vận động, thị giác, giao tiếp…đồng
thời lèo lái tất cả mọi học sinh đi theo cùng một con đường và cùng chịu chung
một sự đánh giá và phán xét. Nhiều học sinh đã có thể học tập tốt hơn nếu chúng
được tiếp thu kiến thức bằng chính thế mạnh của chúng.
Sưu tầm